Bệnh tăng nhãn áp (cườm nước) hay thiên đầu thống là căn bệnh thường xảy ra ở đối tượng trung niên nhưng trẻ em và người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Bệnh này làm cho áp lực trong mắt tăng lên, dẫn tới tổn hại dây thần kinh thị giác. Ngoài ra, bệnh tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Hơn nữa, bệnh tăng nhãn áp không có nguyên nhân rõ ràng. Thông thường, những người trên 50 tuổi dễ mắc tăng nhãn áp hơn tuổi thanh niên. Những người bị tiểu đường, huyết áp cao sẽ có nguy cơ bị tăng nhãn áp. Tăng nhãn áp cũng là căn bệnh di truyền, nó cũng có thể đến cùng với những chấn thương ở mắt. Và một điều đặc biệt, những người cận thị nặng cũng dễ bị tăng nhãn áp. Nếu không được điều trị sớm, dây thần kinh thị giác càng bị tổn hại nặng nề và gây mất thị lực vĩnh viễn. Ngoài các phương pháp điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai phương pháp giúp làm bình ổn nhãn áp không gây tổn thương thần kinh thị giác thì bệnh nhân cần phải có lối sống lành mạnh, kết hợp với chế độ sinh hoạt tập luyện thể thao hợp lý để giúp giữ cho đôi mắt khỏe mạnh, tránh gây các tổn thương lên mắt. Sau đây là một số bài tập thể dục tốt cho mắt và dành cho người bệnh tăng nhãn áp.
1. Yoga
Yoga là tập hợp các động tác cơ thể kết hợp với hơi thở. Giống như thiền, yoga giúp tâm trí tập trung, không suy nghĩ lo lắng. Các động tác yoga tuy rất căng về mặt thể chất, nhưng lại tạo ra sự thư thái gần như tuyệt đối về tinh thần. Khi không bị ức chế, hệ thần kinh giao cảm từ tủy sống sẽ phát ra các sợi tín hiệu đến các hạch giao cảm, giúp các bộ phận thuộc hệ thần kinh tự động vận hành trong trạng thái tốt nhất. Các hạch này có mối quan hệ chặt chẽ với các đại huyệt trong cơ thể cũng như các luân xa trong thiền. Chính vì thế, khi tập yoga, tập thiền hay bấm huyệt… các hạch giao cảm được kích thích, điều chỉnh để cân bằng chức năng các tạng, phủ, giúp cơ thể tự chữa bệnh. Mắt cũng thuộc hệ thần kinh tự động. Khi hệ thần kinh tự động hoạt động trơn tru, không bị ức chế thì sự ức chế ở mắt cũng được hóa giải, áp lực dịch thủy ở mắt cũng nhờ đó mà được tiêu thoát.
2. Đi bộ
Một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) cho thấy những người tham gia vào các hoạt động thể chất vừa phải đến cường độ cao có khả năng kiềm chế nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp, theo Naturalnews. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia (NHANES) để xác định mối quan hệ giữa cường độ tập luyện và bệnh tăng nhãn áp. Theo đó, với mỗi 7.000 bước được thực hiện trong một ngày được coi là tương ứng với 30 phút hoạt động thể chất vừa phải. Kết quả của nghiên cứu sau đó chỉ ra rằng đối với mỗi 10 đơn vị tăng tốc độ đi bộ và số bước thực hiện trong một phút, khả năng phát triển bệnh tăng nhãn áp giảm 6%. Trong khi đó, cứ mỗi 10 phút tăng trong hoạt động vừa phải đến mạnh mẽ mỗi tuần, rủi ro giảm 25%. Ngoài ra, việc tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, một yếu tố khác trong sự phát triển bệnh tăng nhãn áp.
3. Một số môn thể thao khác
Ngoài hai bài tập thể dục nêu trên, một trong những cách hiệu quả nhất để hạ thấp mức đường huyết nhằm giảm nguy cơ tổn thương mắt và duy trì vóc dáng là áp dụng các bài tập luyện đơn giản như là tập thể dục nhịp điệu, chạy bền, đạp xe, leo cầu thang, tập tạ… Các bài tập này vừa có thể góp phần bảo vệ mắt lại vừa giúp phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Bạn có thể tự tập các bài tập này ở nhà hoặc đăng ký tham gia các lớp tập gym, các câu lạc bộ đạp xe, leo núi…
Việc tập thể dục thường xuyên cần phải kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, tránh các yếu tố kích thích khác làm tăng huyết áp và mức cholesterol cao dẫn đến việc làm giảm thị lực, tránh tiếp xúc quá lâu với ánh sáng từ máy tính, ti vi, điện thoại, gió, bụi… Đồng thời ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya hay làm việc quá căng thẳng nhằm giúp bảo vệ thị lực và phòng tránh bệnh tăng nhãn áp hiệu quả.
Nguồn: Ban biên tập NAVITA