MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỐNG CHUNG VỚI NGƯỜI BỆNH LAO

Bệnh lao là một dạng bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên. Bệnh lao có nhiều thể bệnh, lao phổi là thể gặp nhiều nhất, dân gian quen gọi là “ho lao”. Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng sẽ nhiễm lao. Một người bị bệnh lao có thể gây nhiễm vi khuẩn lao cho khoảng 10 – 15 người mỗi năm thông qua các hoạt động giao tiếp hàng ngày. Thông thường nếu không phải cấp tính thì những bệnh nhân lao phổi sẽ được chữa bệnh tại nhà. Tuy nhiên do lao phổi là một bệnh có khả năng lây lan do đó khi chăm sóc và điều trị bệnh lao phổi tại nhà, người nhà cần phải có các biện pháp chăm sóc riêng biệt. Sau đây là một số biện pháp để chăm sóc cho người bệnh lao tại nhà và các biện pháp giúp người nhà tự phòng tránh việc bị lây lan.

  • I. CÁC BIỆN PHÁP SỐNG CHUNG VỚI NGƯỜI BỆNH LAO
  1. Cách ly người bệnh tại nhà

Bệnh lao phổi là một bệnh lây truyền qua không khí. Do vậy khi chăm sóc người bệnh tại nhà các bạn cần:

  • Cách ly người bệnh với những thành viên khác trong gia đình.
  • Mang khẩu trang che mũi, miệng khi có vấn đề phải tiếp xúc với người thân trong gia đình.
  • Không tiếp xúc với trẻ em và những người có hệ miễn dịch kém.
  • Không đến những nơi cộng cộng, đông người và hạn chế các cuộc gặp gỡ không thực sự cần thiết (trừ trường hợp đi khám bệnh định kỳ).
  1. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh lao phổi

Người bị bệnh lao rất dễ bị chán ăn, bị suy giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Chính vì vậy khi chăm sóc tại nhà, người thân phải biết cách tăng cường tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân thì mới giúp tăng hiệu quả điều trị và đẩy nhanh tiến độ hồi phục.  
Các chất dinh dưỡng sau cần thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người bệnh lao như:

–  Kẽm: Người bệnh lao cần bổ sung kẽm từ thịt bò, gan và hạt bí ngô, ngũ cốc, hạt hướng dương…

Vitamin A, E, C: Các chất này có nhiều trong rau, củ, quả, cá biển, thịt, gan.

Sắt: có nhiều trong nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng… 

Vitamin K, B6: có nhiều trong rau xanh, gan, thịt lợn, đậu, đỗ, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt…  

Người bệnh lao phổi thường có thể trạng rất kém, chán ăn do tác dụng phụ từ thuốc điều trị do vậy cần phải đa dạng các món ăn, lựa chọn những món ăn mà họ thích và chia nhỏ bữa ăn hàng ngày.

  1. Điều trị bằng thuốc

Đối với người bị bệnh lao, việc điều trị bằng thuốc là yếu tố cực kỳ quan trọng đến việc khỏi bệnh. Nguyên tắc cơ bản của việc điều trị cho bệnh nhân lao bằng thuốc là “đúng, đủ và đều”.

– Đúng liều lượng: thuốc lao được chỉ định dùng dựa theo cân nặng của cơ thể người bệnh. Do đó cần phải dùng đúng theo liều lượng bởi nếu thấp quá thì không hiệu quả, còn cao quá thì gây ra tai biến

Đúng cách: thuốc chữa lao phải được tiêm và uống thuốc cùng thời điểm để hiệu quả của thuốc đạt mức cao nhất.

Điều trị đều: việc điều bệnh lao đòi hỏi người bệnh phải thực hiện đúng theo liệu trình một cách đều đặn. Chỉ cần bạn quên hay tự ý bỏ thuốc cũng sẽ dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc.

Điều trị đủ: thời gian điều trị bệnh lao tương đối dài, thông thường bệnh nhân lao mất từ 6 – 8 tháng để điểu trị dứt điểm. Việc dùng thuốc điều trị không đủ cũng sẽ gây ra tình trạng lao kháng thuốc.

 


Thuốc uống theo phác đồ điều trị lao trong 6 tháng

  1. Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân định kỳ

– Khi chăm sóc người bệnh tại nhà các bạn cần phải cho bệnh nhân đi khám bệnh định theo chỉ định của bác sỹ để kiểm tra tình trạng của bệnh lý.

– Việc kiểm tra tình trạng bệnh lý chủ yếu dựa vào kiểm tra xét nghiệm  đờm là chính. Thời gian xét nghiệm đờm để kiểm tra theo các mốc sau 2-3 tháng, sau 4 tháng và sau 6-8 tháng điều trị tùy theo phác đồ.

  1. Các lưu ý khác

– Khi chữa bệnh tại nhà cho bệnh nhân lao thì tất cả những vật dụng như giấy lau miệng, khẩu trang phải được cho vào túi nilon và để riêng vào thùng rác.

– Giữ cho nơi ở của người bệnh sạch sẽ, thoáng mát.

– Người nhà bệnh nhân lao cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm nếu như bị mắc bệnh.

– Các bạn nên sử dụng dịch vụ khám bệnh tại nhà để tránh tình trạng bị lây nhiễm chéo bệnh lao khi đi người nhà đi khám  hoặc kiểm tra.

  • II. CÁC BIỆN PHÁP TỰ PHÒNG TRÁNH
  1. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh

Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh lao. Nếu bạn không thể tránh hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Nếu bạn làm ở bệnh viện, hãy đeo khẩu trang chất lượng tốt. Rửa tay với chất sát trùng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.

  1. Tăng cường khả năng miễn dịch

Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ăn ít nhất 4-5 khẩu phần rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Nếu bạn không thể ăn do nguyên nhân nào đó, hãy đảm bảo nhận được liều hàng ngày các chất chống oxy hóa/vitamin tổng hợp sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do sản sinh trong tế bào do bệnh tật/căng thẳng và giúp tái tạo tế bào.

  1. Duy trì khẩu phần protein

Ăn ít nhất 2 phần protein trong chế độ ăn hàng ngày. Chúng giúp hình thành các khối tế bào và tái tạo tế bào.

  1. Duy trì bữa ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng

Bạn cần kết hợp tốt tất cả các thành phần của thực phẩm để khỏe mạnh. Carbohydrat, protein, vitamin và chất béo đều có vai trò trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể.

  1. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên

Hãy tập luyện hàng ngày. Bạn có thể đi bộ thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tập luyện sẽ cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch.

  1. Tập thiền

Hãy dành vài phút để ngồi thiền mỗi ngày. Cách này giúp bạn giảm căng thẳng hàng ngày và tăng cường hệ miễn dịch.

  1. Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ

Giữ gìn vệ sinh tốt ở bất cứ nơi nào bạn đến. Rửa tay với xà phòng khử trùng thường là một thói quen bị đánh giá thấp nhưng trên thực tế rất có lợi. Khi phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, bạn không thể bỏ qua thói quen đơn giản này.

  1. Đưa trẻ đi tiêm chủng

Vì phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nên cách tốt nhất là bạn nên đưa con đi tiêm vắc-xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) để phòng chống bệnh lao. Cách này sẽ đảm bảo phát triển các kháng thể chống Mycobacterium tuberculosis và do vậy làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao.

  1. Tuân thủ dùng thuốc (không bao giờ tự ý dừng thuốc)

Khi người bệnh không tuân thủ điều trị, vi khuẩn lao có thể trở nên nên kháng thuốc. Khi các vi khuẩn kháng thuốc này bay trong không khí, chúng cũng có thể lây bệnh cho những cá nhân khỏe mạnh. Điều này sẽ dẫn tới tăng số người bị bệnh lao đa kháng thuốc. Do vậy hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

  1. Tránh xa căng thẳng

Bạn có thể không nhận thức được rằng stress có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh lao. Do vậy, bạn nên tránh xa mọi căng thẳng.

  1. Ngủ đủ giấc hàng ngày

Mất ngủ không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Hãy tránh xa những thực phẩm cản trở giấc ngủ, đồng thời cố gắng ăn những thực phẩm giúp phục hồi chu kì thức ngủ.

 

Nguồn: Ban biên tập NAVITA

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart