CÁC BỆNH PHỔI THƯỜNG GẶP (PHẦN 1)

Phổi là bộ phận đóng vai trò chính yếu là trao đổi khí – đem oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi và dioxit cacbon từ động mạch phổi ra ngoài. Phổi còn là nơi lưu trữ máu, chuyển hóa một vài chất sinh hóa và lọc một số độc tố trong máu.

Với sự phát triển không ngừng nghỉ của quá trình công nghiệp hóa thì ô nhiễm môi trường, không khí, nước và thói quen hút thuốc lá là những nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh về phổi.

1. Viêm phổi

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh xuất hiện nhiều hơn ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, người có Hệ miễn dịch kém, bệnh nhân tim mạch, tiểu đường.

Nguyên nhân: Nhiễm vi khuẩn, vi-rut, nấm tấn công đường hô hấp. Thông thường hệ miễn dịch ngăn chặn không cho chúng tấn công phổi, nhưng đôi khi chúng vượt qua hàng rào bảo vệ này gây bệnh. Vi-rut làm tổn thương niêm mạc đường dẫn khí hô hấp làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi. Đặc biệt đối với bệnh nhân nằm viện rất dễ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm trong khi cơ thể còn suy yếu.

Triệu chứng: Điển hình là sốt, ho, đờm đục và đau ngực khi ho.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Hút thuốc.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp do – cảm lạnh, viêm thanh quản, cúm.
  • Mắc bệnh phổi mạn tính.
  • Các bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tim, xơ gan hoặc tiểu đường.
  • Hen suyễn.
  • Hệ miễn dịch suy yếu.
  • Bị HIV hoặc ung thư.
  • Trẻ nhỏ hoặc người lớn trên 65 tuổi.

Điều trị: Thường dùng kháng sinh cho trường hợp nhiễm khuẩn, thuốc chống virus do nhiễm virus, hoặc thuốc trị nấm trong trường hợp nhiễm nấm. Bên cạnh đó dùng các loại thuốc để giúp kiểm soát các triệu chứng viêm phổi để hạ sốt, giảm đau nhức và ức chế ho như paracetamol, aspirin hoặc ibuprofen. Phải nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống. 

Bệnh gây biến chứng như suy tim, huyết áp cao, nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm phổi nên gây tử vong rất cao, chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. 

Triệu chứng:

  • Nhẹ: Ho mãn tính, có đờm, khó thở, mệt mỏi kéo dài, đau thắt ngực, sốt nhẹ cảm giác ớn lạnh
  • Nặng: Các triệu chứng trên trầm trọng hơn, mệt không nói được, người, môi tay chân tái do thiếu oxi, tình trạng lơ mơ do thiếu oxi não, tim đập nhanh.

Nguyên nhân: Thuốc lá, khói bụi do ô nhiễm không khí, nhiễm trùng đường hô hấp và di truyền (chiếm phần nhỏ).

Điều trị: Bệnh không thể chữa dứt điểm, chỉ có một số phương pháp điều trị và phòng ngừa tiến triển của bệnh.

  • Cải thiện triệu chứng bằng cách dùng các loại thuốc giãn phế quản giúp người bệnh thở dễ dàng.
  • Vaccine phòng ngừa: vaccine phòng cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu, liệu pháp oxy
  • Phẫu thuật: là phương pháp điều trị cuối cùng khi mà dùng thuốc không có hiệu quả.

3. Viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh lý mà lớp niêm mạc ống phế quản trong phổi bị viêm nhiễm. Viêm phế quản được chia thành 2 loại: Viêm phế quản cấp tính (diễn ra trong thời gian ngắn, có thể kéo dài vài tuần) và viêm phế quản mãn tính (có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm)

Triệu chứng:

  • Ho kéo dài, ho có đờm (trắng, vàng, xánh lá, thậm chí kèm máu)
  • Nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Khó thở, thở gấp.
  • Ngực có cảm giác thắt chặt, đau
  • Thở khò khè, mệt mỏi kéo dài
  • Sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh

Nguyên nhân: Viêm cấp tính nguyên nhân ban đầu chính là do virus lây nhiễm trong không khí, Bên cạnh đó có thể do bị bội nhiễm vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H.influenzae, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn.

Viêm mãn tính do khói thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi môi trường ô nhiễm, người có Hệ miễn dịch kém hay người cao tuổi và trẻ em.

Phòng và Điều trị:

  • Tránh môi trường khói bụi, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa.
  • Giữ ấm, dùng khẩu trang bảo vệ khỏi lây nhiễm virus, vi khuẩn vào mùa đông.
  • Ăn uống đầy đủ, tập luyện điều độ để tăng hệ miễn dịch.
  • Dùng kháng sinh nếu viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn theo chỉ định của Bác sĩ.
  • Nếu ho dai dẳng kéo dài gây tổn thương cổ họng thì dùng thuốc giảm ho.
  • Kết hợp một số thuốc khác : giúp giảm tình trạng viêm và dị ứng.
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart