NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH BIẾN

Những căn bệnh về da luôn là mối lo ngại lớn đối với sức khỏe và thẩm mỹ. Trong hàng chục những căn bệnh về da thì đáng ngại nhất là những căn bệnh không có nguồn gốc rõ ràng. Bệnh bạch biến là một bệnh có diễn tiến phức tạp, ít người biết đến và điều trị kịp thời nên dễ gây ra những hệ quả khó lường. Bệnh bạch biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới và nữa giới gần như ngang nhau. Bệnh thường xuất hiện ở những nước da nhiệt đới và khí hậu Việt Nam cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh.

1. Phân biệt bệnh bạch tạng và bạch biến

Chúng ta thường nghe nói tới hai từ bạch biến và bạch tạng. Liệu bạch biến và bạch tạng có phải là cùng một loại bệnh?

Trên thực tế, bệnh bạch biến và bệnh bạch tạng là hai loại bệnh khác nhau, có nguyên nhân gây bệnh khác nhau.

Bạch tạng (Albinism): Đây là căn bệnh bẩm sinh (di truyền) do rối loạn quá trình sinh tổng hợp ra sắc tố melanin làm cho da, tóc và mắt của người bệnh có màu nhạt. Vì vậy, da của người bạch tạng dễ bị bỏng nắng, do đó dễ bị ung thư da. Ngoài ra, bạch tạng còn gây rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng.

Bạch biến (Vitiligo): Là bệnh thường gặp trên lâm sàng tại các phòng khám da liễu, người bệnh bạch biến bị mất hoặc giảm sắc tố melanin ở vùng nào thì bị bạch biến vùng đó.

Triệu chứng cơ bản của bạch biến là những đốm trắng trên da. Khu vực thường bị mất sắc tố là những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày: Bàn tay, bàn chân, mặt, môi, cánh tay, ngực.

Các nếp gấp trên cơ thể ví dụ như vùng da dưới cánh tay, vùng bẹn cũng thường bị bạch biến. Lỗ mũi, bên trong miệng, khu vực xung quanh mắt, núm vú, rốn, và cơ quan sinh dục ngoài cũng có thể bị mất sắc tố. Những vùng da này có thể rộng hoặc nhỏ, ở một khu vực hoặc lan rộng trên cơ thể, tùy thuộc vào vị trí. Một số người bị bạch biến cũng bị bạc tóc sớm và có thể mất màu của lông mày hoặc lông tóc trên mặt.

Bạn có thể chú ý thấy sự thay đổi nhanh chóng của màu sắc da trong một thời gian và sau đó không có thay đổi nữa. Đó là một kiểu tiến triển bình thường của bạch biến.

2. Nguyên nhân bị bệnh bạch biến

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra một nguyên nhân cụ thể nào của bệnh bạch biến. Căn bản, bạch biến không do các yếu tố đơn lẻ như tuổi, chủng tộc hay giới tính, có nhiều giả thuyết đề ra nguyên nhân của bệnh bạch biến là do:

  • Xáo trộn tâm thần kinh
  • Một số bất thường về sinh hóa
  • Vấn đề về miễn dịch của cơ thể người bệnh: Rụng tóc từng mảng (hói đầu), thiếu máu ác tính (không có khả năng hấp thụ vitamin B12), cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), Lupus, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường type I.
  • Một số trường hợp cho thấy bệnh có gắn kết với yếu tố di truyền: Mặc dù không sắc nét như bệnh bạch tạng nhưng người ta vẫn thấy người trong cùng một gia đình cùng bị bạch biến. Theo Viện nghiên cứu về bệnh lý cơ xương khớp và da Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 30% những người bị bạch biến có một thành viên trong gia đình bị bệnh.

3. Phân loại bạch biến

Bạn sẽ mất sắc tố da ở những vùng khác nhau trên cơ thể tùy thuộc vào loại bạch biến mà bạn mắc phải, thông thường bạch biến được chia làm 3 loại:

  • Bạch biến lan tỏa: Đây là loại thường gặp nhất, các triệu chứng xảy ra ở cả hai bên cơ thể, lan rộng và đối xứng.
  • Bạch biến đứt đoạn: Chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, mặc dù nó vẫn có thể ảnh hưởng ở vùng da rộng.
  • Bạch biến khu trú: Chỉ giới hạn ở những vùng da nhỏ.

Nhìn chung, bạch biến không gây chết người, không có bất kỳ tác hại nào cho cơ thể, không phải là căn bệnh lây lan tuy nhiên bạch biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và gia đình của bệnh nhân.

Nguồn: Ban biên tập NAVITA

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart